2- Nhị Tổ – Đại Sư Huệ Khả

Nhị Tổ – Đại Sư Huệ Khả (487-593)
Sơ Tổ Bồ Đề Đạt-ma → Nhị Tổ Huệ Khả

Sư người Vũ Lao, họ Cơ, cha tên Tịch. Vì không có con, nên khẩn cầu đã lâu, một đêm có ánh sáng lạ chiếu trong nhà, bà mẹ liền có mang, khi sanh ra đặt tên là Quang.

Lúc nhỏ Sư đã có chí vượt lên mọi sự ràng buộc, thấu hiểu uyên thâm sách vở, rành rẽ về Lão Trang. Về sau xem sách Phật, liền bỏ hết sách kia, nuơng theo thiền sư Bảo Tịnh xuất gia, tham học các nơi về giáo nghĩa tiểu thừa và đại thừa.

Năm 33 tuổi, trở về Hương Sơn, trọn ngày ngồi yên, trải qua tám năm, trong lúc yên tĩnh, chợt thấy một vị thần bảo rằng: “Mong cầu đạo quả, ông nên về phương nam”.

Hôm sau cảm thấy đầu như bị mũi nhọn đâm vào, muốn chữa trị, chợt nghe trên không trung có tiếng: “Đây là hoán cốt vậy.”

Đến gặp Bảo Tịnh thuật lại việc đó, Bảo Tịnh nhìn thấy xương trên đỉnh đầu nhô lên như năm đỉnh núi, do có sự thần kỳ nên gọi là Thần Quang.

Bảo Tịnh nói với Thần Quang rằng: Ông có tướng điềm lành, thần bảo ông về phương nam, nơi chùa Thiếu Lâm kia có đại sĩ Đạt-ma, ắt là thầy của ông.

Thần Quang bèn đến Thiếu Thất, nhờ đó đắc pháp.

(Nhân duyên đắc pháp xem nơi truyện Tổ Bồ Đề Đạt-ma).

*

Đời Bắc Tề niên hiệu Thiên Bình năm thứ hai (536) có một cư sĩ khoảng 40 tuổi, chẳng nói tên họ, đến lễ Tổ (Huệ Khả), thưa hỏi Tổ. Tổ rất tin tưởng nên thế phát, nói rằng: là báu vật của ta vậy, nên đặt tên Tăng Xán[1].

Năm đó ngày 18 tháng 3 tại chùa Quang Phước, Tăng Xán thọ giới Cụ túc, từ đây tật bệnh dần khỏi. Làm thị giả trải qua hai năm, Tổ bèn dặn dò giao cho y bát, nói kệ rằng:

Bổn lai duyên hữu địa
Nhân địa chủng hoa sanh
Bổn lai vô hữu chủng
Hoa diệc bất tằng sanh.

Xưa nay duyên có đất
Nhân đất trồng hoa mọc
Xưa nay không có giống
Hoa cũng chẳng từng sanh.

Lại nói: Ông nhận sự giáo hóa của ta, nên ẩn nơi rừng sâu, chưa thể giáo hóa được, đang lúc có nạn trong nước. Bát-nhã Đa-la có huyền ký: “Tâm trung tuy cát ngoại đầu hung[2]” là đây vậy. Ta cũng có duyên xưa hệ lụy, nay đến đó để trả. Ông nghĩ kỹ những lời sấm ký của bậc Thánh, chớ lo lắng bởi nạn ở đời, khéo đến khéo làm. Chờ thời cơ mới truyền trao.

Tổ bèn đến Nghiệp Đô, giáo hóa, tứ chúng quy y. Trải qua 34 năm, trà trộn giấu kín tông tích, thay đổi dung nghi, hoặc vào quán rượu, hoặc vào hàng thịt, hoặc thường bàn tán ở đầu đường xó chợ, hoặc theo bọn nô bộc.

Có người hỏi rằng: Thầy là đạo nhân, cớ sao lại làm như vậy?

Tổ đáp: Ta tự điều tâm, đâu can dự đến việc của ông.

*

Về sau Tổ đến chùa Khuông Cứu[3] huyện Quản Thành thuyết pháp, có pháp sư Biện Hòa[4] đang ở trong chùa này giảng kinh Niết Bàn, đồ đệ của ông phần lớn đi ra theo Tổ. Biện Hòa nổi lên tâm tật đố, gièm báng với ấp tể (huyện lệnh) Địch Trọng Khản, Khản buộc tội phi pháp cho Tổ, Tổ an nhiên thuận theo. Bậc thức giả cho rằng Tổ trả nợ trước, năm đó Tổ 107 tuổi.

Cung phụng Hạo Nguyệt hỏi Hòa thượng Trường Sa Cảnh Sầm[5]:

Cổ đức nói: ‘Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, vị liễu ưng tu thường túc trái’, chỉ như Tôn giả Sư Tử, Đại sư Nhị Tổ, vì sao lại đền nợ vậy?

Trường Sa bảo: Đại đức không biết ‘bổn lai không’.

Hạo Nguyệt thưa: Thế nào là ‘bổn lai không’?

Trường Sa bảo: Nghiệp chướng đấy.

Thưa: Thế nào là nghiệp chướng?

Trường Sa bảo: Bổn lai không đấy.

Hạo Nguyệt không nói được.

Trường Sa dùng kệ chỉ dạy:

Giả có vốn chẳng có
Giả diệt cũng chẳng không
Niết bàn nghĩa đền trả
Một tánh chẳng sai khác.

Tùy Văn Đế, niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 13 (593) nhằm ngày 16 tháng ba năm Qúy Sửu, an táng Tổ tại phía đông bắc cách huyện Phũ Dương, Từ Châu (Hà Bắc) 17 dặm.[6]

Đường Đức Tông ban thụy hiệu là Đại Tổ Thiền Sư 



nhị tổ huệ khả

▲二祖慧可大師。武牢 人。姬氏子。父寂 以無子。禱祈 既久。一夕有異光照室。母遂懷妊。故生而名之曰光。少則超然 。博極 載籍 。尤善談老莊。後覽佛乘。遂盡棄去。依寶靜禪師出家。遍學大小乘義 。

年三十三。返香山 。終日宴坐。又八年。於寂默中。忽見一神人謂曰。將欲受果。汝其南矣。翌日 覺頭痛如刺。欲治之。忽聞空中曰。此換骨也。往見靜述其事。靜視之。見頂骨嶢然如五峰秀出 。以有神異 。更名神光。靜語祖曰。汝相吉祥。而神令汝南。彼少林有達磨大士。必汝師矣。

祖遂造少室。逮得法。

至北齊天平二年 。有一居士。年踰四十。不言名氏。聿 來設禮。曰是吾寶也。宜名僧璨。其年三月十八日。於光福寺受具。自茲疾漸愈。執侍經二載。祖遂囑累。付以衣法。偈曰。

本來緣有地。因地種花生。本來無有種。花亦不曾生。

又曰。汝受吾教。宜處深山。未可行 化。當有國難。般若多羅懸記。所謂心中雖吉外頭凶者 。是也。吾亦有宿累。今往酬之。汝諦思聖記。勿罹世難。善去善行。俟時傳付。

*祖乃往鄴都。化導。四眾。皈依。三十四載。遂韜光 混跡。變易儀相。或入酒肆。或過屠門。或習街談 。或隨廝役 。或問之曰。師是道人。何故如是。祖曰我自調心。何關汝事

*後至筦城縣匡救寺 說法。有辨和法師。正於其寺講涅槃經。其徒多去之而從祖。和憤嫉。興謗於邑宰 翟仲侃。侃加祖以非法。祖怡然 委順。識真 者謂之償債 。時年一百七矣。

隋文帝開皇十三年癸丑三月十六也。葬磁州滏陽縣東北七十里。

唐德宗諡大祖禪師。


CHÚ THÍCH


[1]  Thưa hỏi và đắc pháp xin xem phần Tam Tổ Tăng Xán.

[2] chữ chu 周, ý chỉ đời pháp nạn Chu.

[3]

[4] Biện Hòa hoặc còn gọi là Đạo Hằng. Đạo Hằng nghe lời Tổ giảng dạy, vu cáo cho là tà pháp, bảo đồ đệ dẹp phá Tổ. Đồ đệ kia đến, lần nào cũng vui mừng theo Tổ chẳng trở về. Đạo Hằng gặp họ trên đường, bảo rằng: Ta tốn công cho ông mở mắt, nay lại phản vậy ư. Đồ chúng kia bảo: Mắt tôi vốn chánh, vì Thầy nên tà. Đạo Hằng rất giận, thầm mưu phỉ báng, gây cho Tổ tội phi pháp.

[5] Trường Sa Cảnh Sầm là đệ tử của Nam Tuyền Phổ Nguyện, trụ núi Trường Sa ở Hồ Nam. Sư cơ phong cao vút.

[6]


< Trở về mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *