
Thiền Sư Ấn Tông
(Đời thứ 1 sau Lục Tổ)
Chùa Pháp Tánh, Quảng Châu
Lục Tổ Huệ Năng → Pháp Tánh Ấn Tông
Sư họ Ấn, người Ngô quận, theo thầy xuất gia, tinh chuyên kinh Niết-Bàn.
Đời Đường (Cao Tông) niên hiệu Hàm Hanh năm đầu (670), Sư đến kinh sư, được sắc ở chùa Đại Kính Ái, Sư kiên quyết chối từ, lại đến Kỳ Xuân yết kiến đại sư Hoằng Nhẫn.
Về sau Sư trụ trì chùa Pháp Tánh, giảng kinh Niết-Bàn. Gặp Lục tổ Huệ Năng, mới ngộ được huyền lý, nhận Lục Tổ làm thầy truyền pháp.
Sư thu thập những lời của chư phương đạt đạo từ thời nhà Lương đến thời nhà Đường, trước tác “Tâm Yếu Tập” thạnh hành nơi đời.
Ngày 21 tháng 2 niên hiệu Tiên Thiên thứ hai (713), Sư thị tịch tại chùa Diệu Hỷ ở Cối Kê, thọ 87 tuổi.
Vương Càn ở Cối Kê lập tháp và bia (viết bài minh).
[Bổ sung theo Pháp Bảo Đàn Kinh]
Ấn Tông thưa: Huỳnh Mai phó chúc, việc chỉ dạy như thế nào?
Huệ Năng bảo: Chỉ dạy tức không, chỉ luận về kiến tánh, chẳng luận thiền định giải thoát.
Ấn Tông thưa: Sao chẳng luận thiền định giải thoát?
Huệ Năng bảo: Vì ấy là hai pháp, không phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai.
Ấn Tông lại hỏi: Thế nào Phật pháp là pháp chẳng hai?
Huệ Năng bảo: Pháp sư giảng kinh Niết Bàn, rõ được Phật tánh, ấy là Phật pháp là pháp chẳng hai. Như Bồ tát Cao Quý Đức Vương bạch Phật: Phạm tứ trọng cấm, tạo tội ngũ nghịch và nhất xiển-đề… sẽ đoạn thiện căn Phật tánh chăng? Phật bảo: Thiện căn có hai, một là thường, hai là vô thường, Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, thế nên chẳng đoạn, gọi là chẳng hai; một là thiện, hai là chẳng thiện, Phật tánh chẳng phải thiện, chẳng phải chẳng thiện, ấy là chẳng hai; uẩn cùng với giới, phàm phu thấy hai, người trí rõ thấu tánh nó không hai, tánh không hai tức là Phật tánh.
Ấn Tông nghe nói hoan hỷ chấp tay thưa: Tôi giảng kinh ví như ngói gạch, nhân giả luận nghĩa ví như vàng ròng.
Khi ấy vì Huệ Năng cạo tóc, nguyện thờ làm Thầy. □
[PBĐK – HT]
pháp tánh ấn tông
廣州法性寺印宗和尚者吳郡人也。姓印氏。
從師出家精涅槃大部。唐咸亨元年抵京師。
敕居大敬愛寺。固辭往蘄春謁忍大師。
後於廣州法性寺講涅槃經。遇六祖能大師始悟玄理。以能為傳法師。
又採自梁至唐諸方達者之言。著心要集盛行于世。
先天二年二月二十一日終于會稽山妙喜寺。壽八十有七。
會稽王師乾立塔銘焉