Thiền Sư Hoài Nhượng

Bát-nhã Tự (Phúc Nghiêm Tự) đã được trùng tu.

Thiền Sư Hoài Nhượng (677-744)
(Đời thứ 1 sau Lục Tổ)
Nam Nhạc
Lục Tổ Huệ Năng → Nam Nhạc Hoài Nhượng

Người sau vì kính trọng Sư nên lấy chỗ ở mà gọi hiệu là Nam Nhạc.
Sư họ Đỗ, quê ở Kim Châu, sanh ngày mùng tám tháng tư [1] đời Đường niên hiệu Nghi Phụng năm thứ hai (677).
Niên hiệu Thùy Củng năm thứ ba (687), Sư được mười lăm tuổi, theo Luật sư Hoàng Cảnh ở chùa Ngọc Tuyền đất Kinh Châu xuất gia.
Sau khi thọ giới Cụ túc, Sư học tập tạng Luật. Một hôm, Sư tự than: “Phàm người xuất gia phải vì pháp vô vi, trên trời và nhân gian không gì hơn được!”
Bạn đồng học là Thản Nhiên biết Sư có chí cao siêu, khuyên Sư cùng đi đến yết kiến Hòa thượng Huệ An ở Tung Sơn. Hòa thượng An chỉ dạy và sau bảo Sư đến Tào Khê tham vấn Lục tổ Huệ Năng.
*
Sư đến Tào Khê, Tổ hỏi: Ở đâu đến?

Sư thưa: Ở Tung Sơn đến.

Tổ hỏi: Vật gì đến như thế? [2]

Sư thưa: Nói in tuồng một vật tức không trúng.

Tổ bảo: Lại có thể tu chứng chăng?

Sư thưa: Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.

Tổ bảo: Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế. Tổ Bát-nhã-đa-la ở Tây Thiên có lời sấm rằng: Dưới chân ngươi sẽ xuất hiện “Nhất mã câu” (một con ngựa tơ) đạp chết người trong thiên hạ. Ứng tại tâm ngươi chẳng cần nói sớm.

Sư hoát nhiên khế hội. Từ đây, Sư ở hầu hạ Tổ ngót mười lăm năm.
*
Đời Đường niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai (713), Sư đến dãy Hoành Nhạc ở chùa Bát Nhã.
Có vị Sa-môn ở viện Truyền Pháp, hiệu Đạo Nhất hằng ngày ngồi thiền. Sư biết đó là pháp khí (người hữu ích trong Phật pháp) bèn đi đến hỏi: Đại đức ngồi thiền để làm gì?

Đạo Nhất thưa: Để làm Phật.

Sau đó, Sư lấy một cục gạch đến trên hòn đá ở trước am Đạo Nhất ngồi mài.

Đạo Nhất thấy lạ hỏi: Thầy mài gạch để làm gì?

Sư đáp: Mài để làm gương.

Đạo Nhất thưa: Mài gạch đâu có thể thành gương được?

Sư bảo: Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?

Đạo Nhất thưa: Vậy làm thế nào mới phải?

Sư bảo: Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải? Đánh trâu là phải?

Đạo Nhất lặng thinh.

Sư nói tiếp: Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.

Đạo Nhất nghe Sư chỉ dạy như uống đề-hồ, lễ bái hỏi: Dụng tâm thế nào mới hợp với Vô tướng tam-muội?

Sư bảo: Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy đạo này.

Đạo Nhất thưa: Đạo không phải sắc tướng làm sao thấy được?

Sư bảo: Con mắt pháp tâm địa hay thấy được đạo, Vô tướng tam-muội cũng lại như vậy.
Nhất thưa: Có thành hoại chăng?

Sư bảo: Nếu lấy cái thành hoại tụ tán mà thấy đạo là không thể thấy đạo.
Nghe ta nói kệ:

Tâm địa hàm chư chủng
Ngộ trạch tức giai manh
Tam-muội hoa vô tướng
Hà hoại phục hà thành.

Đất tâm chứa các giống
Gặp ướt liền nảy mầm
Hoa tam-muội không tướng
Nào hoại lại nào thành.

Đạo Nhất nhờ khai ngộ tâm ý siêu nhiên, theo hầu Sư suốt mười năm, mỗi ngày càng nhận sâu lý đạo.
*
Đệ tử nhập thất gồm có sáu người. Sư ấn khả rằng: Sáu người các ngươi đồng chứng thân ta, mỗi người khế hội một phần:
Người được chân mày ta, giỏi về oai nghi là Thường Hạo.
Người được mắt ta, giỏi về ngó liếc là Trí Đạt.
Người được tai ta, giỏi về nghe lý là Thản Nhiên.
Người được mũi ta, giỏi về biết mùi là Thần Chiếu.
Người được lưỡi ta, giỏi về đàm luận là Nghiêm Tuấn.
Người được tâm ta, giỏi về xưa nay là Đạo Nhất.

Sư lại bảo:

Tất cả các pháp đều từ tâm sanh
Tâm không chỗ sanh, pháp không thể trụ.
Nếu đạt tâm địa việc làm không ngại
Không phải thượng căn dè dặt chớ nói.

*
Có vị Đại đức đến hỏi Sư: Như gương đúc tượng [3], sau khi tượng thành không biết cái sáng của gương đi về chỗ nào?

Sư bảo: Như Đại đức tướng mạo lúc trẻ thơ hiện thời ở đâu.

[Pháp Nhãn nói: Thế nào là tượng mà Đại đức đúc thành.]

Thưa: Tại sao sau khi thành tượng không chiếu soi?

Sư bảo: Tuy không chiếu soi, nhưng dối y một điểm chẳng được.
*
Sau Đạo Nhất đi giáo hóa ở Giang Tây, Sư hỏi chúng: Đạo Nhất vì chúng thuyết pháp chăng?
Chúng thưa: Đã vì chúng thuyết pháp.
Sư hỏi: Sao không thấy người đem tin tức về?
Chúng lặng thinh.
Sư bèn sai một vị tăng đi thăm. Trước khi đi, Sư dặn: Đợi khi y thượng đường chỉ hỏi “Làm gì”. Y trả lời, nhớ ghi những lời ấy đem về đây.

Vị tăng đi thăm làm đúng như lời Sư đã dặn.

Khi trở về, vị tăng thưa: Đạo Nhất nói, “Từ loạn Hồ sau ba mươi năm, chưa từng thiếu tương muối”.

Sư nghe xong gật đầu.
*
Đến ngày mười một tháng tám, đời Đường niên hiệu Thiên Bảo năm thứ ba (744), Sư viên tịch tại Hoành Nhạc, thọ sáu mươi bảy tuổi. Vua sắc ban hiệu là Đại Huệ Thiền sư, tháp hiệu Thắng Luân. □

[TSTH 1 – HT]



Chú thích

[1] Lúc đó có luồng khí trắng bay lên trời. Thái sử trình tấu việc này lên vua Cao Tông. Vua hỏi: Đây là điềm gì? Thưa rằng: Pháp khí của nước nhà, chẳng nhiễm vinh hoa của thế gian.
Vua Cao Tông truyền cho Thái thú họ Hàn đích thân đến thăm hỏi. Năm Sư mười tuổi, chỉ thích sách Phật, có Tam tạng Huyền Tĩnh bảo với cha mẹ Sư rằng: Đứa bé này nếu xuất gia, ắt được thượng thừa, rộng độ chúng sanh.

[2] Truyền Đăng ghi: Tổ hỏi: Vật gì đến thế ấy? Hoài Nhượng không đáp được. Trải qua tám tháng, chợt nhiên có tỉnh. Bèn thưa với Tổ: Con có chỗ hội. Tổ bảo: Là sao. Nhượng thưa …

[3] Ngày xưa mài miếng đồng cho sáng làm gương, nên sau khi đem đồng đúc thành tượng thì không chiếu như tấm gương nữa.



nam nhạc hoài nhượng
南嶽懷讓禪師☸南嶽懷讓禪師者,姓杜氏,金州人也。於唐儀鳳二年四月八日降誕。
至垂拱三年方十五歲,辭親,往荊州玉泉寺,依弘景律師出家。通天二年,受戒後習毗尼藏。日自歎曰:夫出家者,為無為法。天上人間,無有勝者。時同學坦然,知師志氣高邁,勸師謁嵩山安和尚。安啟發之,乃直指詣曹谿參六祖。
*祖問:甚麼處來?曰:嵩山來。祖曰:甚麼物恁麼來?師無語。遂經八載,忽然有省。乃白祖曰:某甲有箇會處。祖曰:作麼生?師曰:說似一物即不中。祖曰:還假修證否?師曰:修證則不無,污染即不得。祖曰:祇此不污染,諸佛之所護念。汝既如是,吾亦如是。西天般若多羅讖汝足下出一馬駒,踏殺天下人。應在汝心,不須速說。師執侍左右一十五年。
*先天二年往衡嶽居般若寺。
*開元中有沙門道一,﹝即馬祖也。﹞在衡嶽山常習坐禪。師知是法器,往問曰:大德坐禪圖甚麼?一曰:圖作佛。師乃取一磚,於彼庵前石上磨。一曰:磨作甚麼?師曰:磨作鏡。一曰:磨磚豈得成鏡邪?師曰:磨磚既不成鏡,坐禪豈得作佛?一曰:如何即是?
師曰:如牛駕車。車若不行,打車即是,打牛即是?
一無對。師又曰:汝學坐禪,為學坐佛?若學坐禪,禪非坐臥。若學坐佛,佛非定相。於無住法,不應取捨。汝若坐佛,即是殺佛。若執坐相,非達其理。
一聞示誨,如飲醍醐,禮拜,問曰:如何用心,即合無相三昧?師曰:汝學心地法門,如下種子。我說法要,譬彼天澤,汝緣合故,當見其道。
又問:道非色相,云何能見?師曰:心地法眼能見乎道,無相三昧亦復然矣。一曰:有成壞否?師曰:若以成壞聚散而見道者,非見道也。聽吾偈曰:『心地含諸種,遇澤悉皆萌。三昧華無相,何壞復何成!』一蒙開悟,心意超然。侍奉十秋,日益玄奧。
*入室弟子總有六人,師各印可。曰:汝等六人同證吾身,各契其一。一人得吾眉,善威儀。﹝常浩﹞一人得吾眼,善顧盼。﹝智達﹞一人得吾耳,善聽理。﹝坦然﹞一人得吾鼻,善知氣。﹝神照﹞一人得吾舌,善譚說。﹝嚴峻﹞一人得吾心,善古今。﹝道一﹞又曰:一切法皆從心生。心無所生,法無所住。若達心地,所作無礙。非遇上根,宜慎辭哉!
*有一大德問:如鏡鑄像,像成後未審光向甚麼處去?師曰:如大德為童子時,相貌何在?﹝法眼別云:阿那箇是大德鑄成底像?﹞曰:祇如像成後,為甚麼不鑑照?師曰:雖然不鑑照,謾他一點不得。
*後馬大師闡化於江西。師問眾曰:道一為眾說法否?眾曰:已為眾說法。師曰:總未見人持箇消息來。
眾無對。
*因遣一僧去,囑曰:待伊上堂時,但問作麼生?伊道底言語,記將來。
僧去一如師旨。回謂師曰:馬師云:自從胡亂後,三十年不曾少鹽醬。
師然之。天寶三年八月十一日,圓寂於衡嶽。諡大慧禪師,最勝輪之塔。□


< Trở về mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *