Thiền Sư Huyền Giác

Thiền Sư Huyền Giác

Đường Cao Tông, niên hiệu Thượng Nguyên thứ hai (675), tách Xử Châu ra đặt tên Ôn Châu. “Triết Giang Thông Chí” ghi: Ôn Kiệu Lĩnh, người dân thường đốt cỏ làm ruộng, tuy tiết đông rét đậm mà vẫn ấm. Ý là đất Ôn Châu từ Ôn Kiệu Lĩnh về nam, mùa đông không quá rét buốt, mùa hạ không quá nóng bức, khí hậu ôn nhuận, nên gọi là Ôn Châu.
Đường Huyền Tông niên hiệu Thiên Bảo năm đầu (742) đổi Ôn Châu làm Vĩnh Gia bộ.
Ôn Châu xưa gọi là đất Âu, cũng gọi là Đông Âu, đến đời Đường mới bắt đầu có tên Ôn Châu, nên được gọi đất Âu hay đất Ôn.

Thiền Sư Huyền Giác (665-712)
(Đời thứ 1 sau Lục Tổ)
Vĩnh Gia, Ôn Châu
Lục Tổ Huệ Năng → Vĩnh Gia Huyền Giác

Sư họ Đới, quê ở Vĩnh Gia Ôn Châu, xuất gia từ thuở nhỏ. Sư xem khắp ba tạng Kinh, trí đức viên mãn, trụ trì chùa Hưng Long. Sư tinh thâm về pháp môn Chỉ Quán của Đại sư Trí Khải ở núi Thiên Thai, trong bốn oai nghi lúc nào cũng khế hợp thiền quán. Thấy cạnh chùa dưới sườn núi có cảnh đẹp, Sư bèn xuống cất một Thiền am, lưng tựa ngọn núi xanh, hông kề dòng suối trong. Sư sống một đời thanh đạm, không hề nghĩ đến việc thế tục.
Sư nhân xem kinh Duy Ma phát minh được tâm địa. Gặp đệ tử của Lục Tổ là thiền sư Huyền Sách, hai bên nói chuyện với nhau đều thích hợp lời chư Tổ.

Huyền Sách hỏi: Nhân giả đắc pháp nơi thầy nào?

Sư đáp: Tôi nghe trong các kinh luận Phương Đẳng mỗi vị đều có thầy trò trao truyền. Sau xem kinh Duy-ma ngộ được Tâm tông, mà chưa có người chứng minh.

Huyền Sách bảo: Từ đức Phật Oai Âm Vương về trước, không có thầy chứng minh thì được. Từ đức Phật Oai Âm Vương về sau, không thầy tự ngộ đều là ngoại đạo thiên nhiên.
Sư nói: Xin nhân giả vì tôi chứng minh.
Huyền Sách bảo: Lời nói tôi nhẹ lắm. Ở Tào Khê có Lục Tổ đại sư bốn phương học giả tụ họp về thọ pháp, nếu nhân giả muốn đi thì tôi cùng đi với.

Sư bèn theo Huyền Sách đi đến Tào Khê.

Đến nơi, Sư tay cầm tích trượng vai mang bình bát đi nhiễu Tổ ba vòng. Tổ hỏi: Phàm Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, Đại đức là người phương nào đến, mà sanh đại ngã mạn như vậy?

Sư thưa: Sanh tử là việc lớn, vô thường quá nhanh.

Tổ bảo: Sao không ngay nơi đó thể nhận lấy vô sanh, liễu chẳng mau ư?

Sư thưa: Thể tức vô sanh, liễu vốn không mau.

Tổ khen: Đúng thế! Đúng thế!

Lúc đó đại chúng nghe nói đều ngạc nhiên. Sư bèn đầy đủ oai nghi lễ tạ Tổ. Chốc lát sau Sư xin cáo từ.

Tổ bảo: Trở về quá nhanh!
Sư thưa: Vốn tự không động thì đâu có nhanh.
Tổ bảo: Cái gì biết không động?
Sư thưa: Ngài tự phân biệt.
Tổ bảo: Ngươi được ý vô sanh rất sâu.
Sư thưa: Vô sanh có ý sao?
Tổ bảo: Không ý, cái gì biết phân biệt?
Sư thưa: Phân biệt cũng không phải ý.
Tổ khen: Lành thay! Lành thay!

Sư ở lại đây một đêm để hỏi thêm đạo lý. Sáng hôm sau, Sư cùng Huyền Sách đồng xuống núi trở về Ôn Giang. Thời nhân gọi Sư là Nhất Túc Giác (một đêm giác ngộ).

Từ đây về sau, học chúng bốn phương tìm đến tham vấn Sư thật đông. Sư được tặng hiệu là Chơn Giác Đại Sư.

Đời Đường niên hiệu Tiên Thiên thứ hai (713) ngày mười bảy tháng mười, tại viện riêng ở chùa Hưng Long, Sư ngồi vui vẻ thị tịch, thọ bốn mươi chín tuổi. Vua sắc ban là Vô Tướng Đại Sư, tháp hiệu Tịnh Quang.

Tập Chứng Đạo Ca và Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ do Sư trước tác, sau này môn đồ là Ngụy Tinh làm Thích sử Khánh Châu, góp lại làm thành mười thiên gọi là Vĩnh Gia Tập. □
[TSTH1 – HT]



vĩnh gia huyền giác
永嘉真覺禪師,諱玄覺,本郡戴氏子。丱歲出家,遍探三藏。精天台止觀圓妙法門。於四威儀中,常冥禪觀。 後因左谿朗禪師激勵,與東陽策禪師同詣曹谿。初到振錫,繞祖三匝,卓然而立。祖曰:「夫沙門者,具三千威儀,八萬細行。大德自何方而來,生大我慢。」師曰:「生死事大,無常迅速。」祖曰:「何不體取無生、了無速乎?」師曰:「體即無生,了本無速。」祖曰:「如是,如是!」于時大眾無不愕然。師方具威儀參禮,須臾告辭。祖曰:「返太速乎!」師曰:「本自非動,豈有速邪?」祖曰:「誰知非動?」師曰:「仁者自生分別。」祖曰:「汝甚得無生之意。」師曰:「無生豈有意邪?」祖曰:「無意誰當分別?」師曰:「分別亦非意。」祖歎曰:「善哉!善哉!少留一宿。」時謂「一宿覺」矣。
師翌日下山,乃回溫州,學者輻湊,著證道歌一首,及禪宗悟修圓旨,自淺之深。慶州刺史魏靖緝而序之,成十篇,目為永嘉集,並行于世。 


< Trở về mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *