Thiền Sư Trí Thường

Huyện Quý Khê tại phủ Tín Châu

Thiền Sư Trí Thường
(Đời thứ 1 sau Lục Tổ)
Tín Châu
Lục Tổ Huệ Năng → Tín Châu Trí Thường

Sư người ở Quý Khê, Tín Châu[1], thuở nhỏ xuất gia, chí cầu thấy tánh. Một hôm đến tham lễ Lục Tổ.

Tổ hỏi: Ông từ đâu đến, muốn cầu việc gì?

Sư thưa: Học nhân gần đây lễ Hòa thượng Đại Thông, nhờ chỉ nghĩa “kiến tánh thành Phật”, nhưng chưa giải quyết được hồ nghi. Đến Cát Châu gặp người chỉ dạy đến đây lễ Hòa thượng, mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Tổ bảo: Kia có ngôn cú gì ông thử nhắc lại xem, ta sẽ chứng minh cho ông.

Sư thưa: Trí Thường đến nơi kia, trải qua ba tháng, chưa được chỉ dạy, lòng tha thiết vì pháp nên một đêm riêng vào trượng thất, lễ bái thưa hỏi.

Hòa thượng Đại Thông nói rằng: Ông thấy hư không chăng?
Thưa: Thấy!
Đại Thông hỏi: Ông thấy hư không có tướng mạo chăng?
Thưa: Hư không vô hình mà có tướng mạo gì?
Đại Thông bảo: Bản tánh của ông ví như hư không, quán lại tự tánh, trọn không một vật có thể thấy, ấy gọi là chánh kiến. Không một vật có thể biết, ấy gọi là chân tri. Không có xanh, vàng, dài, ngắn, chỉ thấy bản nguyên thanh tịnh, giác thể tròn sáng tức gọi là thấy tánh thành Phật, cũng gọi thế giới Cực Lạc, cũng là Như Lai Tri Kiến.

 Học nhân tuy nghe lời này vẫn chưa giải quyết xong (điều nghi), cúi xin Hòa thượng chỉ dạy.

Tổ bảo: Lời Thầy kia nói vẫn còn kiến tri nên khiến ông chưa rõ. Nay tôi chỉ ông một bài kệ:

Bất kiến nhất pháp tồn vô kiến
Đại tợ phù vân già nhật diện
Bất tri nhất pháp thủ không tri
Hoàn như thái hư sanh thiểm điện.

Thử chi tri kiến miết nhiên hưng
Thác nhận hà tằng giải phương tiện
Nhữ đương nhất niệm tự tri phi
Tự kỷ linh quang thường hiển kiến.

Chẳng thấy một pháp còn thấy không
Giống như mây nổi che mặt nhật
Chẳng biết một pháp giữ biết không
Lại như hư không sanh điện chớp.

Tri kiến này bỗng nhiên dấy lên
Lầm nhận đâu từng hiểu phương tiện
Ông phải một niệm tự biết lỗi
Tự kỷ linh quang thường hiển hiện.

Trí Thường nghe bài kệ rồi tâm ý hoát nhiên, bèn nói kệ rằng:

Vô đoan khởi tri giải
Trước tướng cầu Bồ đề
Tình tồn nhất niệm ngộ
Ninh việt tích thời mê.

Tự tánh giác nguyên thể
Tùy chiếu uổng thiên lưu
Bất nhập Tổ sư thất
Mang nhiên thú lưỡng đầu.

Vô cớ khởi tri giải
Chấp tướng cầu Bồ-đề
Tình còn một niệm ngộ
Đâu vượt mê ngàn xưa.

Tự tánh giác nguyên thể
Tùy chiếu luống đổi dời
Chẳng vào thất Tổ sư
Mờ mịt chạy hai đầu.


[1] Tín Châu nay là thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây.



信州智常禪師者,本州貴谿人也。髫年出家,志求見性。一日參六祖。祖問:「汝從何來?欲求何事?」師曰:「學人近禮大通和尚,蒙示見性成佛之義,未決狐疑。至吉州遇人指迷,令投和尚,伏願垂慈攝受。」祖曰:「彼有何言句,汝試舉看,吾與汝證明。」

師曰:「初到彼三月,未蒙開示,以為法切,故於中夜獨入方丈,禮拜哀請。大通乃曰:『汝見虛空否?』對曰:『見。』彼曰:『汝見虛空有相貌否?』對曰:『虛空無形,有何相貌?』彼曰:『汝之本性猶如虛空,返觀自性,了無一物可見,是名正見。無一物可知,是名真知。無有青黃長短,但見本源清淨,覺體圓明,即名見性成佛,亦名極樂世界,亦名如來知見。』學人雖聞此說,猶未決了,乞和尚示誨,令無凝滯。」

祖曰:「彼師所說,猶存見知,故令汝未了。吾今示汝一偈曰:『不見一法存無見,大似浮雲遮日面。不知一法守空知,還如太虛生閃電。此之知見瞥然興,錯認何曾解方便。汝當一念自知非,自己靈光常顯見。』」

師聞偈已,心意豁然。乃述一偈曰:「無端起知解,著相求菩提。情存一念悟,寧越昔時迷。自性覺源體,隨照枉遷流。不入祖師室,茫然趣兩頭。」


< Trở về mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *