Sơ Tổ Bồ Đề Đạt-ma (470-543)
(Tổ thứ hai mươi tám tại Thiên Trúc)
[Sơ Tổ Thiền Tông tại Đông Độ]
Sơ tổ Đại sư Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma) người nam Thiên Trúc, là con thứ ba của vua Hương Chí. Dòng Sát-đế-lợi (Kṣatriya), tên Bồ-đề Đa-la (Bodhi Tāla).
Khi Tôn giả Bát-nhã Đa-la (Prajñātāra) sang Nam Ấn hoằng hóa, vua Hương Chí thỉnh về cung cúng dường, bảo ba vị Thái-tử ra đảnh lễ Tôn giả. Ngài biết ba vị Thái-tử đều ham tu, muốn nghiệm thử trí mỗi người thế nào. Sẵn nhà vua cúng dường hạt châu quý vô giá, Ngài lấy ra hỏi: Ở đời còn có vật gì quý báu bằng hạt châu này chăng?
Con trưởng là Nguyệt Tịnh thưa: Hạt châu nầy quý tột, ở đời không có gì hơn nó, chẳng phải trong nhà vua thì làm gì có hạt châu nầy.
Con thứ là Công Đức Đa-la cũng đồng ý như vậy.
Riêng Bồ-đề Đa-la thưa: Châu nầy là của báu thế gian chưa đủ làm tột, trong các thứ báu chỉ có pháp bảo là tột. Đây là ánh sáng của thế gian, trong các thứ ánh sáng chỉ có ánh sáng trí tuệ là tột. Đây là trong sạch của thế gian, trong các thứ trong sạch, chỉ tâm trong sạch là trên hết. Nhưng ánh sáng của hạt châu nầy không thể tự chiếu, cần nhờ ánh sáng trí tuệ mới biện biệt được nó. Đã biện rõ mới biết là châu, đã biết là châu mới hiểu cái quý báu của nó. Nếu hiểu cái quý báu của nó, thì nó báu mà không biết báu. Nếu biện rõ nó là châu, thì nó châu mà chẳng tự biết châu. Châu mà chẳng tự biết châu, cần nhờ trí châu mới biện được thế châu. Báu mà chẳng tự biết báu, cần nhờ trí bảo mới rõ pháp bảo. Song mà, thầy tôi có đạo thì báu kia liền hiện. Chúng sanh có đạo thì tâm báu cũng thế.
Tôn giả Bát-nhã Đa-la[1] khen ngợi tài biện luận của Bồ-đề Đa-la.
Tổ lại hỏi thêm: Trong các vật, vật gì không tướng?
Thưa: Trong các vật, chẳng khởi là không tướng.
Tôn giả hỏi: Trong các vật, vật gì là tối cao?
Thưa: Trong các vật, nhơn ngã là tối cao.
Tôn giả hỏi: Trong các vật, vật gì là tối đại?
Thưa: Trong các vật, pháp tánh là tối đại.
Tôn giả thầm vui biết là đại pháp khí sẽ nối dõi sau nầy.
Về sau, Tôn giả gọi Bồ-đề Đa-la đến dặn dò: Đại pháp nhãn tạng của Như Lai lần lượt truyền trao, nay ta trao cho ngươi, ngươi khéo truyền bá chớ cho đoạn dứt. Nghe ta nói kệ:
Tâm địa sanh chư chủng
Nhơn sự phục sanh lý
Quả mãn bồ-đề viên
Hoa khai thế giới khởi.
Đất tâm sanh các giống
Nhơn sự lại sanh lý
Quả đầy bồ-đề tròn
Hoa nở thế giới sanh.
Sau khi Bồ-đề Đa-la đắc pháp với tôn giả Bát-nhã Đa-la. Tôn giả bảo rằng: Ông đối với các pháp đã uyên bác. Đạt-ma là nghĩa thông suốt sâu rộng vậy, nên gọi là Đạt-ma.
Nhân đó đổi như tên hiện nay.
*
Tổ hỏi Tôn giả: Con nên đến nước nào để làm Phật sự.
Tôn giả bảo: Ông tuy đắc pháp, chưa thể đi xa. Hãy ở Nam thiên trúc, đợi sau khi ta diệt độ sáu mươi bảy năm, nên đến nước Chấn Đán, bày lập thuốc đại pháp, chỉ tiếp người thượng căn, cẩn thận chớ đi gấp, không tiện khi đến kinh đô
Tổ lại hỏi: Nơi kia có đại sĩ kham làm pháp khí chăng? Ngàn năm sau có bị làm khó dễ chăng?
Tôn giả bảo: Nơi ông giáo hóa, người được bồ-đề không thể kể hết. sau khi ta diệt độ hơn sáu mươi năm, nước kia gặp nạn, chỉ chuộng bề ngoài không trọng lẽ thật, ông khéo tự hàng phục. Ông đến phương nam chớ ở lại, kia chỉ thích việc hữu vi, chẳng thấy lý Phật. Ông dù đến đó, cũng chẳng thể lưu lại lâu.
Nghe ta nói kệ:
Lộ hành khóa thủy phục trùng dương
Độc tự thê thê ám độ giang
Nhật hạ khả lân song tượng mã
Nhị chu nộn quế cửu xương xương.
Đường đi vượt biển lại gặp Dương[2]
Riêng tự vội vã thầm qua sông
Kinh đô khả thương đôi tượng mã
Hai cây còn non[3] thịnh lâu dài.
Tổ lại hỏi rằng: Từ đây về sau có việc gì?
Tôn giả đáp: Từ đây đến một trăm năm mươi năm có chút nạn. Nghe ta nói kệ:
Tâm trung tuy cát ngoại đầu hung
Xuyên hạ tăng phòng danh bất trúng
Vi ngộ độc long sanh Vũ tử
Hốt phùng tiểu thử tịch vô cùng
Trong tâm tuy tốt việc ngoài lại xấu
Sông trên tăng phòng tên chẳng dung[4]
Vì gặp rồng dữ sanh con Vũ
Chợt gặp năm chuột, lặng vô cùng.[5]
Lại hỏi: Sau này thế nào?
Tôn giả bảo: Sau hai trăm hai mươi năm, tùng lâm[6] có một người đắc đạo quả.
Nghe ta sấm ký:
Chấn Đán tuy khoát vô dị lộ
Yếu giả nhi tôn cước hạ hành
Kim kê giải hàm nhất lạp mễ
Cung dưỡng Thập phương La hán tăng.
Chấn Đán tuy rộng, không đường khác[7]
Cần nhờ con cháu, dưới gót chân đi
Kim kê biết ngậm một hạt thóc
Cúng dường Thập phương La hán[8] tăng.
*
Tổ cung kính vâng theo lời dạy. Hầu cận thầy bốn mươi năm. Đến khi Tôn giả tịch, Tổ mới giáo hóa rộng rãi trong nước. Tổ giáo hóa khắp nam Thiên Trúc, tiếng vang khắp vùng Ngũ Ấn.
*
Tổ nghĩ đến nước Chấn Đán[9] phía Đông, Phật thọ ký sau 500 năm, đèn trí Bát-nhã di chuyển đến kia, Tổ bèn phó chúc đệ tử là Bất-nhã-mật đa-la, ở nơi Thiên Trúc truyền pháp, Tổ đích thân đến Chấn Đán. Từ giã tháp Tổ sư, tạm biệt bạn đồng học, bảo với vua rằng: Chuyên cần tu thiện nghiệp, ta đi chín năm sẽ trở lại.
*
Tổ lênh đênh trên biển cả trải qua ba mùa nóng lạnh. Đến Nam Hải vào ngày hai mươi mốt tháng chín năm Canh Tí, đời nhà Lương niên hiệu Phổ Thông năm thứ bảy (527). Thứ sử Quảng Châu là Tiêu Ngang đầy đủ lễ nghênh đón, dâng sớ về Vũ Đế.
*
Vua sai sứ chí thành nghênh đón. Ngày mùng một tháng mười đến Kim Lăng.
Đế hỏi: Trẫm từ lúc lên ngôi đến nay, dựng chùa, chép kinh, độ tăng không thể tính kể, có được công đức gì?
Tổ bảo: Toàn không công đức.
Đế nói: Sao lại không công đức.
Tổ bảo: Đây chỉ là nhân hữu lậu quả nhỏ của trời người. Như bóng theo hình, tuy có những chẳng thật.
Đế nói: Thế nào là thật công đức.
Tổ bảo: Tịnh trí diệu viên, thể tự không tịch, công đức như thế chẳng do việc ở đời mà cầu được.
Đế lại hỏi: Thế nào là nghĩa Thánh đế đệ nhất.
Tổ bảo: Rỗng thênh không thánh.
Đế nói: Đối trẫm là ai.
Tổ bảo: Chẳng biết.
Đế chẳng ngộ. Tổ biết cơ duyên không khế hợp, nên ngày mùng chín tháng muời, lặng lẽ thầm về Giang Bắc.
Ngày 23 tháng 11 đến Lạc Dương, dừng tại Tung Sơn chùa Thiếu Lâm. Ngồi quay mặt vào vách, cả ngày không nói. Mọi người không biết được, gọi ngài là ‘Bích quán Bà la môn’.
*
Có vị tăng là Thần Quang, ở lâu nơi vùng Y Lạc, xem rộng các kinh sử, thuyết nói hay về Khổng Lão Trang. Thường than rằng: ‘lời dạy của Khổng và Lão về phong hóa lễ thuật, sách Trang và Kinh Dịch chưa tột lý diệu’.
Nghe nói rằng Đại sĩ Đạt-ma, trụ tại Thiếu Lâm, bậc chí nhân chẳng xa, nên đến phương Bắc tham kiến và hầu Tổ. Tổ ngồi quay mặt vào vách, chẳng được nghe lời chỉ dạy.
Thần Quang suy nghĩ: Người xưa cầu đạo, chẻ xương lấy tủy, trích máu cứu đói[10], trải tóc lấp bùn[11], gieo mình xuống vực thẳm cho hổ ăn[12]. Người xưa còn như thế, ta nay là người thế nào.
Gặp lúc tuyết lớn, Thần Quang đứng hầu cả đêm, rạng sáng tuyết ngập quá đầu gối, đứng càng thêm cung kính.
Tổ nhìn thương xót, hỏi rằng: Ông đứng lâu trong tuyết, muốn cầu việc gì.
Thần Quang buồn khóc thưa: Chỉ xin Hòa thượng từ bi mở cửa cam lộ, rộng độ chúng sinh.
Tổ bảo: Diệu đạo vô thượng của chư Phật, vô tận kiếp tinh cần, làm những việc khó làm, nhẫn những việc khó nhẫn. Há đem đức hèn trí mọn tâm khinh suất, kiêu mạn để cầu chân thừa, uổng công cần lao khổ nhọc.
Thần Quang nghe lời Tổ dạy khuyến khích, thầm lấy dao bén tự chặt cánh tay trái đặt trước Tổ[13].
Tổ biết đây là pháp khí, bèn nói: Chư Phật ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân. Ông nay tự chặt tay trước ta, chí cầu cũng khá.
Tổ nhân đây đổi tên là Huệ Khả.
Thần Quang thưa: Pháp ấn chư Phật có được nghe chăng?
Tổ bảo: Pháp ấn của chư Phật không phải từ người mà được.
Huệ Khả thưa: Tâm con chưa an, xin Thầy giúp cho an.
Tổ bảo: Đem tâm ra an cho ông.
Huệ Khả im lặng giây lâu, thưa: Con tìm tâm chẳng thể được.
Tổ bảo: Ta an tâm cho ông rồi.
*
Qua chín năm, Tổ muốn trở lại Thiên Trúc. Bảo với môn nhân rằng: Giờ sắp đến rồi, các ông sao chẳng nói chỗ được?
Đạo Phó đáp rằng: Chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự là dụng của đạo.
Tổ bảo: Ông được phần da của ta.
Ni Tổng Trì[14] thưa: Theo chỗ hiểu của con, như ngài An Nan thấy cõi Phật A Súc, thấy rồi không thấy lại lần thứ hai.
Tổ bảo: Ngươi được phần thịt của ta.
Đạo Dục thưa: Tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có, là chỗ thấy của con, không một pháp có thể được.
Tổ bảo: Ông được phần xương của ta.
Cuối cùng Huệ Khả ra lễ bái đứng yên.
Tổ bảo: Ông được phần tủy của ta.
Bèn nhìn Huệ Khả dạy rằng: Khi xưa Như Lai đem Chánh pháp nhãn (con mắt pháp) phó chúc cho đại sĩ Ca-diếp, kéo dài giao phó đến ta, ta nay giao phó cho ông. Ông nên gìn giữ. Cùng thọ ca-sa là pháp tín, mỗi cái có chỗ tiêu biểu, ông nên biết rõ.
Huệ Khả thưa: Xin Thầy chỉ rõ.
Tổ bảo: Bên trong truyền pháp ấn chứng khế tâm, bên ngoài giao y để định tông chỉ. Người đời sau khắt khe, nghi ngờ khởi lên, cho rằng ta là người Thiên Trúc, bảo ông là người phương này, do đâu mà được pháp, lấy gì để chứng minh, nay ông thọ pháp y này, khi người sau nạn vấn (căn vặn) chỉ đưa y này và bài kệ truyền pháp của ta, dùng để biểu thị rõ ràng, để việc giáo hóa kia không bị trở ngại. Sau khi ta diệt độ hai trăm năm, y để lại không truyền nữa. Pháp đã khắp các cõi, người rõ đạo nhiều, người hành đạo ít. Nói lý nhiều, thông lý ít. Thầm hợp với mật chứng hơn ngàn vạn. Ông nên xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ, một niệm quay lại liền đồng được gốc.
Nghe ta nói kệ:
Ta xưa đến đất này
Truyền pháp cứu tình mê
Một hoa nở năm cánh
Kết trái tự nhiên thành.
Tổ lại bảo: Ta có bốn quyển Kinh Lăng Già, giao cho ông, là Pháp môn Tâm địa của Như Lai, khiến chúng sinh Khai thị ngộ nhập.
Ta đến đất này, đã năm lần trúng độc, ta thường tự đưa ra, đem để thử trên đá, đá vỡ tan. Duyên ta vốn rời Nam Ấn đến Đông độ, thấy Xích Huyện Thần Châu có khí Đại thừa, nên vượt biển qua sa mạc, vì pháp mà tìm người. Thời vận chưa tới, như ngây như ngu, nay truyền trao được cho ông, ý ta đã xong.
[Biệt ký ghi: Sơ tổ trụ Thiếu Lâm chín năm, vì Nhị Tổ thuyết pháp, chỉ dạy: Ngoài dứt các duyên, trong tâm không khởi, tâm như tường vách, có thể vào đạo.
Huệ Khả thường nói về tâm tánh, mà chưa từng khế lý. Tổ chỉ ngăn lỗi kia, mà chẳng nói tâm thể vô niệm.
Huệ Khả chợt thưa: Con đã dứt được các duyên.
Tổ bảo: Chẳng phải rơi vào đoạn diệt đấy chứ?
Huệ Khả thưa: Chẳng rơi vào đoạn diệt.
Tổ bảo: Đây chính là tâm thể, chỗ truyền của chư Phật, chớ có hồ nghi.]
Sau đó, Tổ cùng đại chúng đến chùa Thiên Thánh ở Vũ Môn[15], nghỉ lại ba ngày.
*
Trong thành có Thái thú Dương Huyễn Chi, sớm mộ Phật pháp, thưa hỏi Tổ: Ở Ngũ Ấn Tây Thiên, Thầy kế thừa vị nào? Đạo này thế nào?
Tổ bảo: Rõ Phật tâm tông, hành giải tương ưng gọi là Tổ.
Lại hỏi: Ngoài việc này thì thế nào?
Tổ bảo: Cần rõ tâm kia, biết khắp xưa nay, chẳng chán hữu-vô, nơi pháp không nắm. Chẳng (bậc) hiền chẳng (người) ngu, chẳng mê chẳng ngộ. Nếu hay hiểu như thế được gọi là Tổ.
Huyễn Chi lại thưa: Đệ tử hướng tâm về Tam Bảo đã lâu mà trí huệ còn mờ tối, còn mê mờ nơi chân lý. Vừa nghe Thầy nói, cái biết còn mê mờ, xin Thầy từ bi chỉ bày tông chỉ.
Tổ biết ông khẩn thiết, nên nói kệ:
Chẳng thấy ác mà sanh hiềm
Chẳng thấy thiện mà siêng làm
Chẳng bỏ trí mà gần ngu
Chẳng bỏ mê mà đến ngộ.
Đạt đạo lớn chừ thông suốt
Thông Phật tâm chừ ra khỏi
Chẳng cùng phàm thánh đồng lối
Vượt thoát lên gọi là Tổ.
Huyễn Chi nghe kệ, vui buồn lẫn lộn, thưa: Xin Thầy trụ lâu ở đời, chỉ dạy chúng hữu tình.
Tổ bảo: Ta đã định rồi, chẳng thể ở lâu, căn tánh người nhiều sai khác, gặp nhiều nạn do người không biết.
Huyễn Chi thưa: Chưa biết là ai, đệ tử vì Thầy trừ bỏ (người đó) được chăng?
Tổ bảo: Ta truyền mật ấn của chư Phật, lợi ích cho người mê, hại người kia để tự an, chẳng có đạo lý này vậy.
Huyễn Chi thưa: Nếu Thầy không nói, sao có thể biểu hiện được sức quán chiếu thông biến[16].
Tổ bất đắc dĩ nói sấm:
Giang tra phân ngọc lãng
Quản cự khai kim khóa
Ngũ khẩu tương cộng hành
Cửu thập vô bỉ ngã.
Bè gỗ chia sóng ngọc
Ngọn đuốc mở khóa vàng
Ngũ khẩu cùng đồng hành
Cửu thập không ta người.[17]
Huyễn Chi chẳng đoán được, lễ tạ mà đi.
Lúc đó nhà Ngụy theo đạo Phật. Người xuất chúng về thiền nhiều như rừng. Luật sư Quang Thống, Tam tạng Lưu Chi là bậc kiệt xuất trong tăng chúng nhưng luận nghị khác xa với Tổ. Huyền Phong của Tổ trùm khắp, bậc thức giả đều quy về. Đồ chúng của hai vị kia khởi tâm đố kị, nhiều lần thuốc độc, Tổ chẳng bị trúng độc.
Đến lần thứ sáu, do hóa duyên đã xong Tổ bèn ngồi thị tịch, được an táng nơi núi Hùng Nhĩ, tháp xây tại chùa Thiếu Lâm.
Năm đó Sứ Ngụy là Tống Vân, từ Thông Lĩnh trở về, gặp Tổ tay cầm một chiếc giày đi lướt nhanh qua.
Tống Vân hỏi: Sư đi đâu?
Tổ bảo: Về Tây thiên.
Tống Vân về trình lên mọi việc, cùng môn nhân mở huyệt, quan tài trống rỗng chỉ có một chiếc giày còn lại. Vua xuống chiếu đem chiếc hài về Thiếu Lâm Tự cúng dường.
Đến năm Đinh mão nhà Đường niên hiệu Khai Nguyên thứ mười lăm (727) bị những tín đồ chiếm lấy đem về tại Ngũ Đài. Nay chẳng biết ở đâu. □
[1]Tôn giả Bát-nhã Đa-la
Tổ thứ hai mươi bảy
Vua nước Đông-Ấn hiệu Kiên Cố. Trong nước có một đồng tử con dòng Bà-la-môn. Cha mẹ mất sớm, đồng tử tự xưng là Anh Lạc. Một hôm,vua Kiên-Cố cùng Tôn giả Bất-như Mật-đa (Punyamitra) ngồi chung xe đi sang thành đông, Anh Lạc ra đón, đứng trước xe làm lễ.
Tôn giả nói với vua: Người nầy là thánh nhơn ở trong nước đại vương vậy.
Tôn giả lại hỏi Anh Lạc: Ngươi nhớ việc xưa chăng?
Anh Lạc thưa: Tôi nhớ xưa đồng trong pháp hội, Tôn giả giảng Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tôi giảng Tu-đa-la thậm thâm. Duyên xưa lại gặp, nên mới đón nhau đây.
Tôn giả bảo Anh Lạc: Do xưa ta giảng Bát-Nhã, ông thuyết Tu-đa-la, nay lại gặp đây, nên lấy Bát-nhã Đa-la đặt tên ông.
Bát-nhã Đa-la lễ tạ, theo Tôn giả xuất gia. Khi cơ duyên sắp mãn, Tôn giả Bất-như Mật-đa nói kệ:
Chân tánh tâm địa tạng, Kho tâm địa chơn tánh,
Vô đầu diệc vô vĩ, Không đầu cũng không đuôi,
Ứng duyên nhi hóa vật, Hợp duyên tùy hóa vật,
Phương tiện hô vi trí. Phương tiện gọi là trí. □
[2] Dương羊: chỉ Dương Thành là Quảng Châu ngày nay.
[3] Nhị chu 二株: hai cây, chiết tự của chữ lâm 林; Nộn quế 嫩桂 ý còn non (thiếu 少). Sau này giải ý là Thiếu Lâm.
[4] Nguyên văn chữ Hán câu này là 川下僧房名不中 Theo chú giải người đời gọi tăng phòng 僧房 là ấp邑. Sông (xuyên 川) trên tăng phòng là chữ Ung 邕. Hậu Chu Văn đế là Vũ Thái Ung 秦邕
[5] Vì gặp rồng dữ sanh con Vũ, (pháp nạn Vũ Đế)
[578 Mậu Tuất Chu Vũ Đế băng, Dương Kiên cho hoạt động Phật giáo trở lại vào năm Canh Tí (580). Mời cao tăng Pháp Tạng khôi phục lại đạo Phật]
Pháp Tạng (546-629) Cao tăng thời Tùy Đường. Người Dĩnh Xuyên Dĩnh Âm, họ Húc荀. Xuất gia năm 22 tuổi. Gặp pháp nạn Bắc Chu, Sư ẩn ở núi rừng. Khi Tùy Văn Đế khôi phục Phật giáo, Sư ra giúp.
[6] Lâm hạ 林下 hiểu là tùng lâm cũng có thể hiểu là nơi Thiếu Lâm.
[7] Không đường khác (vô dị lộ) giải đoán là chỉ có một con đường, tức là Đạo Nhất (tên của Mã Tổ)
[8] Chùa La Hán tại huyện Thập Phương (Hán Châu, Tứ Xuyên) nơi Mã Tổ Đạo Nhất xuất gia. Bài kệ này ý chỉ Mã Tổ Đạo Nhất, người kế thừa Nam Nhạc Hoài Nhượng và là đầu nguồn tông Lâm Tế về sau.
[9] Chấn Đán (Cīna-sthāna) Cīna dịch ý là Tư duy, Sthāna dịch ý là Trụ xứ.
[10] Thích huyết tế ngạ 刺血濟饑: Cố sự về đức Thế Tôn và năm anh em Kiều Trần Như, lúc xưa khi Thế tôn còn là quốc vương, tự chích trong thân thể 5 chỗ để có máu mà cứu đói năm dạ-xoa, bảo với năm dạ-xoa rằng ngày khác thành đạo sẽ đem giới định tuệ của Pháp thân diệt trừ các dục của tam độc khiến đến cảnh yên ổn của Niết-bàn (Kinh Hiền Ngu).
[11] Bố phát yểm nê 布髮掩泥描 trải tóc lên bùn: Tiền thân của đức Phật Thích-ca dâng hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng và khi thấy mặt đất lầy lội, Ngài đem tóc của mình trải lên bùn để Phật Nhiên Đăng bước qua.
[12] Đầu nhai tự hổ 投崖飼虎 gieo mình vào vách cứu (cọp) đói. Vị tam thái tử thấy con cọp mẹ đói quá định ăn cọp con, thái tử gieo mình vào núi để máu chảy cho cọp mẹ ăn.
[13] Theo huyền sử có đoạn ghi: Tổ bảo khi nào tuyết màu đỏ, ta sẽ nói. Thần Quang thầm lấy dao bén chặt tay, máu rơi xuống tuyết thấm đỏ, bèn vốc nắm tuyết đỏ vào trình Tổ.
[14] Ni Tổng Trì: Ni sư thời Nam Bắc triều, còn được gọi là Ni Tổng Trì. Sư họ Tiêu 蕭, tên Minh Luyện, là con gái của vua Lương Vũ Đế, xuất gia hiệu Tổng Trì. Sư học thiền với Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Chứng ngộ thị tịch, tháp cách Thiếu Lâm năm dặm. Sự việc ghi đầy đủ nơi bia văn.[Tổ Đình Sự Uyển, Q.8]
Vũ Môn tức Long Môn tại tây bắc huyện Hà Tân, Sơn Tây và đông bắc huyện Hàn Thành, Thiểm Tây.
Sách Thủy Kinh có ghi: Vũ Môn nguyên gọi là Long Môn, hai núi đá đứng sững hai bên bờ trên một khúc sông Hoàng Hà, làm hẹp khúc sông này như một cánh cửa, nước chảy xiết như thác rất khó qua lại. Khi Hạ Vũ trị thủy, cho đục phá nới rộng thêm ra, nên gọi là Vũ Môn (cửa ông Vũ). Vũ Môn là nơi sóng dữ, thác ghềnh. Lý ngư (cá chép) tháng ba vượt Long Môn, qua được thì hóa rồng, chẳng được bị điểm trán trở về. Người đời nhân đầy để dụ cho cấp bậc và sự thành công.
Lý Bạch có thơ:
Hoàng hà ba thước vượt
Vốn tại bến Mạnh Tân
Điểm trán chẳng thành rồng
Trở về bạn với cá.
[16] Thông biến = biết những thay đổi
[17] Theo Tổ Đường Tập:
江槎分玉浪,〔江者流也,槎者支也。玉浪者三藏。总言流支三藏也〕
管炬开金锁。〔管炬者光也。开者统也,金锁者者毒药。〕
五口相共行,〔五口者吾字也,相共行者与吾争行佛法,生嫉法心。〕
九十无彼我。〔九十者九/十字也,无彼我者无彼此之我也。〕