Thiền Sư Thần Hội (tt [1])

1- Thần Hội Hòa Thượng Thiền Ngữ Lục
2- Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận

Thiền Sư Thần Hội (668-760)
(Đời thứ 1 sau Lục Tổ)
Hà Trạch, Tây Kinh (Lạc Dương)
Lục Tổ Huệ Năng → Hà Trạch Thần Hội

Lục Tổ biết sắp đến ngày quy tịch nên họp chúng lại bảo: Ta đến tháng tám sắp lìa thế gian, các ngươi có nghi phải ra hỏi sớm, ta sẽ vì các ngươi giải nghi, khiến các ngươi hết mê lầm, sau khi ta đi rồi không có người dạy các ngươi.
Toàn hội chúng đều khóc dầm dề, chỉ có Sư thần tình chẳng động, cũng không ứa nước mắt.

Tổ bảo: Thần Hội tiểu sư lại được thiện ác, khen chê, vui buồn… đều chẳng động, các ngươi chẳng bằng…

Sau Sư đi đến Tây Kinh thọ giới Cụ túc.
*
Niên hiệu Khai Nguyên năm thứ tám (720) vua Đường Huyền Tông thỉnh Sư về chùa Long Hưng tại Nam Dương, lại đến Lạc Dương. Ở đây, Sư đã thắp sáng ngọn đuốc Thiền tông đốn ngộ của Lục Tổ. Trước kia, hai kinh đô này chỉ dùng pháp thiền tiệm tu của ngài Thần Tú, đến nay mới nhận rõ đốn tiệm hai tông. Vì thế, phái thiền Thần Tú trước thạnh, từ đây suy dần dần.

Khoảng niên hiệu Thiên Bảo (742-756) ngự sử Lư Dịch a tùng cùng môn đồ Thần Tú tâu dối với vua rằng: “Sư nhóm họp đồ chúng manh tâm làm phản.” Vua Huyền Tông mời Sư về kinh đô để tham vấn. Ra mắt vua, Sư giải bày hợp lý, vua rất hài lòng. Vua mời Sư dời về ở Quân Bộ. Sau vua ra sắc lệnh đày Sư đến ở viện Bát Nhã chùa Khai Nguyên tại Kinh Châu.

Sau vua Đường Túc Tông xuống chiếu thỉnh Sư vào cung cúng dường và lập ngôi chùa Hà Trạch thỉnh Sư trụ trì ở đó. Nơi đây, Sư hiển phát tông phong của Lục Tổ, đồ chúng tham học rất đông.
*
Sư dạy chúng:
Phàm người học đạo phải đạt tột nguồn gốc của mình; hàng Tứ quả Tam hiền đều gọi là điều phục, Bích-chi, La-hán chưa dứt hoài nghi, Đẳng giác, Diệu giác liễu đạt tường tận. Giác có cạn sâu, giáo có đốn tiệm. Tiệm giáo trải kiếp A-tăng-kỳ vẫn còn luân hồi; đốn giáo chỉ khoảng co duỗi cánh tay liền lên Diệu giác.

Nếu trước không giống đạo, luống học biết nhiều. Tất cả tại tâm, tà chánh do mình. Không nghĩ một vật tức là tâm mình, không phải chỗ biết của trí. Không có hạnh nào riêng để ngộ vào đây.

Pháp Tam-ma-đề chân thật không có đi đến, dứt mé trước sau. Nếu biết vô niệm là Tối thượng thừa, rộng suốt trời xanh chóng mở kho báu. Tâm chẳng phải sanh diệt, tánh bặt đổi dời. Tự tịnh thì niệm cảnh không sanh, vô tác thì vin theo tự dứt.

Ngày xưa, ta đẩy chiếc xe bất thối, nay được định tuệ song tu, như bàn tay với cánh tay. Thấy thể vô niệm chẳng theo vật mà sanh, thường liễu ngộ Như Lai thì còn chỗ nào mà khởi.

Nay huyễn chất này nguyên là thường chân, tự tánh như không, xưa nay không tướng. Đã đạt lý này thì còn gì sợ, gì buồn. Trời đất không thể đổi thể kia. Tâm về pháp giới, vạn tượng nhất như. Xa lìa suy tính, trí đồng pháp tánh. Ngàn kinh muôn luận chỉ nói rõ tâm. Đã chẳng lập tâm tức thể hội chân lý, hoàn toàn không sở đắc.

Bảo các học chúng không tìm cầu bên ngoài, nếu là Tối thượng thừa cần phải vô tác.
Trân trọng!
*
Có người hỏi Sư: Vô niệm thì pháp có, không chăng?

Sư bảo: Chẳng nói có không.

Thưa: Khi ấy thế nào?

Sư bảo: Cũng không khi ấy. Ví như gương sáng nếu không đối hình tượng trọn không thấy hình tượng, nếu thấy không vật mới là thấy gương thật.
*
Đời Đường niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu (760) đêm mười hai tháng năm, Sư từ biệt đại chúng, đến nửa đêm thị tịch, thọ chín mươi ba tuổi.

Vua sắc ban hiệu là Chơn Tông Đại Sư, tháp hiệu Bát Nhã. Sư có trước tác tập Hiển Tông Ký, hiện giờ còn lưu hành.

Học giả Hồ Thích sưu tập Thần Hội Ngữ Lục 3 quyển.

[TSTH 1- HT]


HÀ TRẠCH THẦN HỘI bổ sung [CNL]
Đệ tử Quang Bảo hỏi: Khi tai mắt duyên theo thanh sắc là đối lập hay là dung hợp?
Sư đáp: Đối lập và dung hợp hãy gác lại. Ông thử chỉ ra cái gì là thanh sắc.
Quang Bảo nói: Như Sư nói, nghĩa là không có thanh sắc?
Sư đáp: Nếu ông hiểu rõ thể của sắc thanh và các căn mắt tai… Nếu căn trần là không, phàm thánh như huyễn thì dung hợp hay đối kháng không còn ý nghĩa nữa.
Quang Bảo tức khắc lãnh ngộ, ngay ngày hôm đó liền đi, ở ẩn nơi Mông Sơn.
*
Một hôm có tin từ quê nhà gời đến, báo tin song thân đã mất.
Sư vào pháp đường bạch chùy nói: Phụ mẫu đều mất, thỉnh đại chúng niệm ma-ha bát-nhã.
Chúng vừa tu tập, Sư liền đánh chùy nói: Làm phiền đại chúng.
Liền xuống tòa.



(Xem tiếp bài Hiển Tông Ký)


[CNL] 弟子光寶問。眼耳緣聲色時。為復抗行。為有回互。師曰。抗互且寘。汝指何法為聲色之體乎。寶曰。如師所說。即無有聲色可得。師曰。汝若了聲色體空。亦信眼耳諸根。及與凡與聖。平等如幻。抗行回互。其理昭然。寶頓領悟。即日發去。隱於蒙山
*一日鄉信至。報二親俱亡。師入堂白槌曰。父母俱喪。請大眾念摩訶般若。然
纔集。師便打槌曰。勞煩大眾。下座。


< Trở về mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *