Thiền Sư Vô Tướng

Chùa bên cạnh Kim Tiên Kiều, Tây môn, Thành Đô (Tứ Xuyên).
Tịnh Chúng Tự, kiến lập vào thời Đông hán Hoàn Đế, trong khoảng niên hiệu Diên Hy (158-166). Thời Lục triều tên là An Phố Tự (安浦寺), thời Đường tên Tịnh Chúng Tự (凈眾寺), thời Tống đổi tên là Tịnh Nhân Tự (净因寺), Cuối thời nhà Nguyên đầu nhà Minh là Vạn Phật Tự (萬佛寺), cuối thời nhà Minh chùa bị hủy trong binh lửa. Thời Thanh Khang Hi trùng tu, tên là Vạn Phật Tự.

Thiền Sư Vô Tướng (684-762)
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn → Tư Châu Trí Sằn → Tư Châu Xử Tịch →
Ích Châu Vô Tướng

Sư họ Kim, nên người đương thời thường gọi là Hòa thượng Kim.
“Tống Cao Tăng Truyện” quyển 19, “Đường Thành Đô Tịnh Chúng Tự Vô Tướng Truyện” ghi rằng:

Ngài là Thái tử thứ ba của Triều Tiên, xuống tóc và thọ giới ở chùa Quận Nam, đến Khai Nguyên 16 (728) đi thuyền đến phía tây kinh thành Trường An, được Huyền Tông triệu kiến và lưu giữ tại chùa Thiền Định ở Trường An, Trung Quốc.

Thời Đường, Cao tăng của Triều Tiên và các quốc gia lân cận đến Trung Quốc truyền đạo rất nhiều; trình độ học vấn, giáo lý và phương pháp truyền đạo của những vị này rất cao, thiền sư Vô Tướng là một trong những số ấy.

Sau đó Thiền sư rời khỏi chùa Thiền Định, du phương tầm thầy học đạo, cuối cùng đến chùa Đức Thuần ở Tư Châu. Lúc ấy thiền sư Trí Tịch bị bệnh, không tiện tiếp kiến; Vô Tướng đã đốt một ngón tay để cúng dường, mong bệnh tình của Trí Tịch sớm được thuyên giảm. Trí Tịch cảm nhận sự thành tâm của Vô Tướng, bèn thâu nhận làm đệ tử và lưu lại bên cạnh để phụ giúp Phật sự.

Sau hai năm học đạo, Vô Tướng vào thâm sơn cùng cốc tu khổ hạnh, mặc y phấn tảo, ăn uống đạm bạc.

Tín đồ bèn xây dựng chùa Tịnh Chúng, thỉnh Sư trụ và truyền pháp hơn hai mươi năm, và trở thành người sáng lập ra phái thiền Tịnh Chúng; người đời thường gọi là thiền sư Đông Hải.
*
Sau cuộc nổi loạn An Sứ, khi Huyền Tông đến nước Thục tị nạn, Sư đã từng được thỉnh vào nội điện để cúng dường.
*
Ngày 15 tháng 5 Bảo Ứng nguyên niên (762), Sư cho người giúp việc tên Huân Toàn đem Tín y và mười bảy vật thường dùng của mình mật truyền cho thiền sư Vô Trụ ở núi Bạch Nham, bốn hôm sau Sư an nhiên thị tịch. □


< Trở về mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *