6.2 Lục Tổ – Tào Khê

Lục Tổ Huệ Năng (638-713)
Nam Hoa Thiền Tự, Khúc Giang, Thiều Châu
Sơ Tổ Đạt-ma → Nhị Tổ Huệ Khả → Tam Tổ Tăng Xán → Tứ Tổ Đạo Tín

→ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn → Lục Tổ Huệ Năng

Đường Nghi Phụng năm thứ hai (677) Lục Tổ được thỉnh đến Bảo Lâm Tự tại Tào Khê, từ đây tông phong Tào Khê hưng thịnh.

Ấn Tông cùng tăng ni đạo tục hơn trăm ngàn người từ chùa Pháp Tánh đưa Tổ về Bảo Lâm Tự.

Thích sử Thiều Châu là Vi Cừ thỉnh Tổ đến chùa Đại Phạm chuyển diệu pháp luân cùng trao giới vô tướng tâm địa. Nơi Tào Khê, rưới mưa pháp, người học chẳng dưới ngàn người.

Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 TL) vào ngày rằm tháng giêng, vua Trung Tông và Tắc Thiên ban chiếu rằng: “Trẫm thỉnh hai sư An và Tú vào trong cung cúng dường, mỗi khi rảnh việc thì nghiên cứu về nhất thừa, hai Sư đều nhường rằng: Phương Nam có Huệ Năng thiền sư được mật trao pháp y của Đại sư Hoằng Nhẫn, được truyền Phật tâm ấn, nên thỉnh người đến thưa hỏi. Nay sai Nội thị Tiết Giản mang chiếu nghinh thỉnh, mong Thầy từ niệm, chóng đến Kinh đô”.

Tổ dâng biểu từ bệnh, nguyện trọn đời ở nơi rừng núi.

Ngày mùng ba tháng chín năm ấy có chiếu tưởng dụ Sư rằng: “Thầy từ vì già bệnh, vì trẫm mà tu hành, làm phước điền cho đất nước. Thầy cũng như ngài Tịnh Danh giả bệnh nơi thành Tỳ-da để xiển dương Đại thừa, truyền tâm chư Phật, nói pháp bất nhị. Tiết Giản truyền lại lời Thầy chỉ dạy tri kiến Như Lai, trẫm chứa được nhiều công đức lành, gieo được hạt giống lành đời trước mới gặp Thầy ra đời, đốn ngộ pháp thượng thừa, cảm ân đức Thầy, đầu đội không thôi, cùng dâng chiếc Ma Nạp ca-sa và bát thủy tinh, sắc cho Thứ sử Thiều Châu sửa sang lại chùa và ban hiệu chùa cũ Thầy ở là chùa Quốc Ân[1].”

Cuối đời Lục Tổ về nơi quê nhà, trụ tại Quốc Ân Tự vị trí tại trấn Tập Thành, huyện Tân Hưng, thành phố Vân Phù dưới chân núi Long Sơn, tỉnh Quảng Đông. Chùa kiến lập vào thời Đường Cao Tông, niên hiệu Hoằng Đạo năm đầu (683).

Đường Hiến Tông niên hiệu Nguyên Hòa (806-820) ban thụy hiệu là Đại Giám Thiền Sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Linh Chiếu. □



[Trích Pháp Bảo Đàn Kinh – Phẩm Phó Chúc]

Vào niên hiệu Thái Cực năm Nhâm tý, Diên Hòa tháng bảy (712), Tổ sai đệ tử đến Tân Châu, chùa Quốc Ân dựng tháp và khiến thợ khởi công gấp, năm kế cuối mùa hạ lạc thành, ngày mùng một tháng bảy Tổ họp đồ chúng bảo rằng: Tôi đến tháng tám muốn lìa thế gian, các ông có nghi phải hỏi nhau sớm, tôi vì các ông phá nghi khiến các ông dứt mê, nếu tôi đi rồi, sau không có người dạy các ông.

Ngài Pháp Hải v.v… nghe Tổ nói thảy đều rơi lệ, chỉ có Thần Hội thần tình bất động, cũng không có khóc.

Tổ bảo: Thần Hội tiểu sư lại được thiện bất thiện cùng là đồng, khen chê chẳng động, vui buồn chẳng sanh. Các người khác đều không được, các ông ở trong núi mấy năm, cứu kính tu đạo gì? Nay các ông buồn khóc là vì lo cho ai? Nếu lo ta chẳng biết chỗ đi thì ta tự biết chỗ đi, nếu ta chẳng biết chỗ đi thì trọn không báo trước cho các ông, các ông buồn khóc bởi vì chẳng biết chỗ đi của ta, nếu biết chỗ đi của ta tức không nên buồn khóc. Pháp tánh vốn không sanh diệt đi lại, các ông ngồi đây ta sẽ vì các ông nói một bài kệ gọi là Chân giả động tịnh kệ. Các ông tụng bài này cùng với ta ý đồng, y đây mà tu hành thì không mất tông chỉ.

Chúng tăng đều làm lễ, Tổ nói kệ rằng:

Tất cả không có chân
Chẳng do thấy nơi chân
Nếu thấy được cái chân
Thấy đó trọn không chân.

Nếu hay tự có chân
Lìa giả tức tâm chân
Tự tâm không lìa giả
Không chân chỗ nào chân.

Hữu tình tức biết động
Vô tình tức không động
Nếu tu hạnh bất động
Đồng vô tình bất động.

Nếu tìm chân bất động
Trên động có bất động
Bất động là bất động
Vô tình không Phật tánh.

Hay khéo phân biệt tướng
Đệ nhất nghĩa bất động
Chỉ khởi cái thấy này
Là dụng của Chân như.

Bảo những người học đạo
Gắng sức phải dụng tâm
Chớ đối pháp Đại thừa
Lại chấp trí sanh tử.

Nếu bàn luận tương ưng
Liền cùng bàn nghĩa Phật
Nếu thật không tương ưng
Chấp tay khiến hoan hỷ.

Tông này vốn không tranh
Tranh tức mất ý đạo
Chấp nghịch tranh pháp môn
Tự tánh vào sanh tử.

Khi ấy đồ chúng nghe Tổ nói kệ rồi thảy đều làm lễ, biết rõ ý Tổ, mỗi người nhiếp tâm, y theo pháp tu hành, lại không dám tranh cãi.

Biết Tổ không còn ở đời bao lâu, Thượng tọa Pháp Hải lại đảnh lễ hỏi rằng: Sau khi Hòa thượng nhập diệt, y pháp sẽ trao cho người nào?

Tổ bảo: Tôi ở chùa Đại Phạm[1] nói pháp cho đến ngày nay, sao chép để lưu hành, gọi là Pháp Bảo Đàn Kinh, các ông gìn giữ, truyền trao cho nhau, độ các quần sanh, chỉ y nơi lời nói này, ấy gọi là chánh pháp, nay vì các ông nói pháp chớ chẳng trao y, bởi vì các ông tín căn đã thuần thục, quyết định không còn nghi ngờ, kham nhận được đại sự, nhưng cứ theo ý bài kệ “Phó thọ” của Sơ tổ Đạt-ma, y không nên truyền. Sơ tổ Đạt-ma nói kệ rằng:

Ta đến ở cõi này
Truyền pháp cứu mê tình
Một hoa nở năm cánh
Kết quả tự nhiên thành.

Tổ lại bảo: Các thiện tri thức, các ông mỗi người nên tịnh tâm lắng nghe tôi nói pháp, nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt được Nhất tướng tam-muội và Nhất hạnh tam-muội.

Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng kia, không sanh yêu ghét, cũng không thủ xả, chẳng nghĩ các việc lợi ích thành hoại v.v… an nhàn điềm tịnh, hư dung đạm bạc, đây gọi là Nhất tướng tam-muội. Nếu ở tất cả chỗ đi đứng nằm ngồi thuần một trực tâm, không động đạo tràng, chân thành Tịnh độ, đây gọi là Nhất hạnh tam-muội. Nếu người đủ hai tam-muội này như đất đã có chứa hạt giống, nuôi dưỡng lớn lên, thành thục được hạt kia, Nhất tướng Nhất hạnh cũng lại như thế.

Nay tôi nói pháp ví như khi mưa ướt khắp cả quả đất, Phật tánh của các ông ví như là hạt giống gặp được sự thấm ướt này thảy đều phát sanh, nương lời chỉ dạy của tôi, quyết định được Bồ-đề, y theo hạnh của tôi, quyết định chứng được diệu quả, hãy nghe tôi nói kệ:

Đất tâm chứa hạt giống
Mưa rưới thảy nảy mầm
Đốn ngộ hoa tình rồi
Quả Bồ-đề tự thành.

Tổ nói kệ rồi bảo: Pháp kia không hai, tâm kia cũng vậy, đạo kia thanh tịnh, cũng không các tướng, các ông dè dặt chớ quán tịnh và để tâm kia không, tâm này vốn tịnh, không nên thủ xả, mỗi người tự nỗ lực tùy duyên đi vui vẻ.

Khi ấy cả thảy chúng đều làm lễ thối lui.

Đến ngày mùng tám tháng bảy, Tổ chợt bảo đệ tử rằng: Tôi muốn trở về Tân Châu, các ông hãy chóng sửa sang thuyền chèo.

Đại chúng đều buồn bã, cố cầm Tổ ở lại. Tổ bảo: Chư Phật xuất hiện còn phải thị tịch Niết-bàn, có lại tất có đi, lý vẫn thường nhiên, hình hài của tôi đây trở về ắt có chỗ.

Chúng thưa: Thầy từ đây đi, bao giờ mới trở về?

Tổ bảo: Lá rụng về cội, trở lại không hẹn ngày.

Lại hỏi rằng: Chánh pháp nhãn tạng truyền trao cho người nào?

Tổ bảo: Người có đạo thì được, người không tâm thì thông.

*

Niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai (713), ngày mùng ba tháng tám năm Quý sửu (tháng mười hai năm ấy đổi là Khai Nguyên), Tổ ở tại chùa Quốc Ân[2] sau buổi ngọ trai, bảo các đồ chúng rằng: Các ông mỗi người cứ ngồi y chỗ cũ, tôi cùng các ông từ biệt.

Pháp Hải bạch rằng: Hòa thượng để lại giáo pháp gì khiến cho những người mê đời sau được thấy Phật tánh?

Tổ bảo: Các ông lắng nghe, những người mê đời sau nếu biết chúng sanh tức là Phật tánh, nếu chẳng biết chúng sanh muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay tôi dạy các ông biết tự tâm chúng sanh, thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật, chỉ biết chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sanh. Tự tánh nếu ngộ chúng sanh là Phật, tự tánh nếu mê Phật là chúng sanh, tự tánh bình đẳng chúng sanh là Phật, tự tánh tà hiểm Phật là chúng sanh. Tâm các ông nếu hiểm khúc tức Phật ở trong chúng sanh, một niệm bình trực tức là chúng sanh thành Phật. Tâm tôi tự có Phật, tự Phật đó là chân Phật, nếu tự không có tâm Phật thì chỗ nào cầu được chân Phật? Các ông Tự tâm là Phật lại chớ hồ nghi, ngoài không một vật mà hay dựng lập đều là Bản tâm sanh ra muôn pháp, nên kinh nói tâm sanh các thứ pháp sanh, tâm diệt các thứ pháp diệt. Nay tôi để bài kệ cùng các ông từ biệt gọi là Tự Tánh Chân Phật Kệ, người đời sau biết được ý kệ này, tự thấy bản tâm, tự thành Phật đạo.

Chân như Tự tánh là chân Phật
Tà kiến tam độc là Ma vương
Khi tà mê ma ở trong nhà
Khởi chánh kiến Phật ở trong nhà.

Trong tánh tà kiến tam độc sanh
Tức là Ma vương đến trong nhà
Chánh kiến tự trừ tâm tam độc
Ma biến thành Phật thật không giả.

Pháp thân báo thân và hóa thân
Ba thân xưa nay là một thân
Nếu nhằm trong tánh hay tự thấy
Tức là nhân Bồ-đề thành Phật.

Vốn từ hóa thân sanh tánh tịnh
Tánh tịnh thường ở trong hóa thân
Tánh khiến hóa thân hành chánh đạo
Về sau viên mãn thật không cùng.

Tánh dâm vốn là nhân tánh tịnh
Trừ dâm tức là thân tánh tịnh
Trong tánh mỗi tự lìa ngũ dục
Thấy tánh sát-na tức là chân.

Đời này nếu gặp pháp đốn giáo
Chợt ngộ Tự tánh thấy được Phật
Nếu muốn tu hành mong làm Phật
Không biết nơi nào nghĩ tìm chân.

Nếu hay trong tâm tự thấy chân
Có chân tức là nhân thành Phật
Chẳng thấy Tự tánh ngoài tìm Phật
Khởi tâm thảy là người đại si.

Pháp môn đốn giáo nay lưu truyền
Cứu độ người đời phải tự tu
Bảo ông người học đạo đời sau
Không khởi thấy này rất xa xôi.

Tổ nói kệ rồi bảo rằng: Các ông ở lại an vui, sau khi tôi diệt độ, chớ làm theo thế gian khóc lóc như mưa, nhận lễ vật điếu tang, thân mặc hiếu phục, chẳng phải là đệ tử của tôi cũng không phải là chánh pháp. Chỉ biết tự bản tâm, thấy tự bản tánh, không động không tịnh, không sanh không diệt, không đi không lại, không phải không quấy, không trụ không vãng, e các ông trong tâm mê, không hiểu ý tôi, nay lại dặn dò các ông khiến các ông thấy tánh. Sau khi tôi diệt độ, y theo đây tu hành, như ngày tôi còn sống, nếu trái lời tôi dạy, giả sử tôi còn ở đời, cũng không có lợi ích gì.

Tổ lại nói kệ rằng:

Ngơ ngơ không tu thiện
Ngáo ngáo không làm ác
Lặng lẽ dứt thấy nghe
Thênh thang tâm không dính.

Tổ nói kệ rồi ngồi ngay thẳng đến canh ba, chợt bảo đệ tử rằng: “Tôi đi nhé!” rồi im lặng mà hóa. Khi ấy mùi hương lạ đầy cả thất, có một móng trắng vòng giáp đất, trong rừng cây cối đều biến thành màu trắng, cầm thú kêu vang bi thương.

*

Đến tháng mười một, quan liêu cùng môn nhân tăng tục ba quận Quảng, Thiều, Tân, đua nhau tới đón nhục thân của Tổ, không giải quyết được việc tranh giành mới thắp hương khấn đảo rằng: “Khói hương chỉ về chỗ nào là Tổ về chỗ ấy”.

Khi ấy khói hương bay thẳng về Tào Khê. Ngày mười ba tháng mười một dời thần khám và những y bát được truyền trở về.

Năm kế tháng bảy mới mở khám, đệ tử Phương Biện dùng đất trầm tô lên trên, đệ tử nhớ lại lời huyền ký sẽ bị lấy đầu của Tổ, mới lấy sắt lá bao quanh cổ để giữ cổ của Tổ rồi đưa vào trong tháp, chợt trong tháp có hào quang trắng hiện ra thẳng lên trên trời, ba ngày mới tan. Thiều Châu tâu lên vua và phụng sắc lập bia ghi đạo hạnh của Tổ.

Tổ sống bảy mươi sáu tuổi, hai mươi bốn tuổi được truyền y, năm ba mươi chín tuổi mới thế phát, nói pháp lợi sanh ba mươi bảy năm, đệ tử nối pháp bốn mươi ba người, người ngộ đạo siêu phàm không biết bao nhiêu mà tính. Tín y của tổ Đạt-ma truyền, áo ma-nạp cùng với bát báu của vua Trung Tông ban cho và tượng của Phương Biện đắp cùng với những đạo cụ của Tổ để tại đạo tràng Bảo Lâm, lưu truyền kinh Pháp Bảo Đàn để bày tông chỉ của Tổ, hưng long Tam bảo và lợi ích quần sanh.

[PBĐK – HT]

[1] Chùa Đại Giám (Đại Phạm) tại Thiều Quan
Chùa Đại Phạm kiến lập vào thời Nam Bắc triều, đến nay gần 1.500 năm. Đường Nghi Phụng năm thứ hai (677) Lục Tổ Huệ Năng đến đạo tràng Bảo Lâm (Nam Hoa Thiền Tự), thường được Thích sử Vi Cừ ở Thiều Châu thỉnh đến chùa Đại Phạm giảng kinh. Sau khi Lục Tổ viên tịch, Đường Hiến Tông ban thụy hiệu là Đại Giám Thiền Sư, người sau vì kỷ niệm Lục Tổ từng đến chùa giảng kinh nên đổi tên chùa là Đại Giám Tự.
        

[2] Phụ Giáo Biên ghi: Buổi đầu Huệ Năng bán củi nuôi mẹ. Khi đi tìm thầy học đạo, nhờ người lo cho mẹ. Đến lúc Sư trở về thì mẹ đã mất. Sư than thở không được toại ý đạo làm con.
Đại sư Huệ Năng vì báo ân cha mẹ vào niên hiệu Hoằng Đạo năm đầu (683) nhà Đường kiến lập chùa tên Báo Ân Tự.
Đường Trung Tông, niên hiệu Thần Long năm thứ hai (706) hạ chiếu đổi thành “Quốc Ân Tự”, ngày nay biển ngạch còn ghi “Sắc Tứ Quốc Ân Tự”. Quốc Ân Tự tựa lưng vào núi Long Sơn nên còn được gọi Long Sơn Tự.


< Trở về mục lục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *